Máy X-quang chẩn đoán hình ảnh không thể thiếu trong y học
1. Máy X-quang là gì?
Máy X-quang (hay máy chụp X-quang) là thiết bị chẩn đoán hình ảnh sử dụng tia X để ghi lại cấu trúc bên trong cơ thể mà không cần phẫu thuật. Đây là một trong những phương pháp hình ảnh học lâu đời nhất nhưng vẫn đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong y học hiện đại, đặc biệt trong chẩn đoán bệnh lý xương khớp, phổi, răng hàm mặt, tim mạch, ổ bụng và chấn thương.

Giới thiệu máy X-quang
Tia X có khả năng xuyên qua các mô mềm nhưng bị cản lại bởi các mô đặc như xương. Khi đi qua cơ thể, tia X tạo ra hình ảnh đen trắng trên phim hoặc cảm biến kỹ thuật số, từ đó bác sĩ có thể phân tích để đưa ra chẩn đoán chính xác.
2. Cấu tạo và nguyên lý hoạt động của máy X-quang
2.1 Cấu tạo máy X-quang
Ở mỗi thương hiệu hay mỗi version máy X-quang có thể khác nhau về mặt cấu tạo. Tuy nhiên, tiêu chuẩn thường bao gồm các bộ phận chính như:
- Ống phát tia X (X-ray Tube): Bộ phận tạo ra tia X bằng cách tăng tốc electron đập vào đối catốt kim loại.
- Nguồn phát cao áp: Cung cấp điện áp cao (khoảng 30–150 kV) để tạo ra chùm tia X.
- Bộ lọc tia: Loại bỏ bức xạ không cần thiết, giảm liều chiếu cho bệnh nhân.
- Bộ phận chuẩn trực (Collimator): Giới hạn vùng tia X chiếu vào cơ thể.
- Bàn chụp – giá giữ: Hỗ trợ bệnh nhân định vị đúng vùng cần chụp.
- Thiết bị thu nhận hình ảnh: Có thể là phim X-quang, cassette, hoặc detector kỹ thuật số.
- Phần mềm xử lý ảnh (trong máy X-quang kỹ thuật số): Cho phép hiệu chỉnh, phân tích và lưu trữ hình ảnh.

2.2 Nguyên lý hoạt động
Máy X-quang hoạt động dựa trên nguyên lý bức xạ ion hóa như sau:
- Khi bật máy, dòng điện cao áp chạy qua ống phát tia X. Từ đó giải phóng các electron từ catot đến anot.
- Khi electron đập vào vật liệu anot (thường là tungsten), chúng phát ra tia X.
- Chùm tia X đi qua cơ thể bệnh nhân, bị hấp thụ hoặc xuyên qua tùy theo mật độ mô, rồi được thu lại để tạo thành hình ảnh.
3. Các loại máy X-quang phổ biến hiện nay
Máy X-quang không chỉ đơn thuần là thiết bị chẩn đoán hình ảnh. Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, các dòng máy X-quang đã được cải tiến, phân loại rõ ràng dựa trên cấu trúc, cơ chế hoạt động và mục đích sử dụng. Dưới đây là những loại máy X-quang phổ biến và được ứng dụng rộng rãi nhất hiện nay tại các cơ sở y tế:
3.1 Máy X-quang quy ước (X-quang cổ điển)
Máy X-quang quy ước là thiết bị y tế sử dụng tia X để tạo ra hình ảnh bên trong cơ thể, giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh. Đây là phương pháp chẩn đoán hình ảnh phổ biến và lâu đời, sử dụng tia X để ghi lại hình ảnh của xương, phổi, và các cơ quan khác
Đặc điểm:
- Dùng phim truyền thống để ghi lại hình ảnh X-quang.
- Hình ảnh thu được là ảnh âm bản trên phim (đen – trắng).
- Chi phí đầu tư ban đầu thấp.

Ưu điểm:
- Thích hợp cho cơ sở y tế nhỏ, phòng khám tuyến dưới.
- Kỹ thuật chụp đơn giản, dễ thực hiện.
Hạn chế:
- Cần hóa chất và phòng tối để rửa phim.
- Tốn thời gian xử lý, không thể số hóa ảnh.
- Chất lượng hình ảnh không cao bằng máy kỹ thuật số.
3.2 Máy X-quang kỹ thuật số (Digital Radiography – DR)
Máy X-quang kỹ thuật số là thiết bị sử dụng tia X để tạo ra hình ảnh bên trong cơ thể. X-quang kỹ thuật số sử dụng tia X xuyên qua cơ thể sẽ được các cảm biến kỹ thuật số để ghi lại và hiển thị hình ảnh trên màn hình máy tính.
Đặc điểm:
- Sử dụng cảm biến kỹ thuật số (flat panel detector) thay cho phim.
- Hình ảnh hiển thị trực tiếp trên màn hình máy tính.

Ưu điểm vượt trội:
- Chất lượng ảnh sắc nét, độ phân giải cao.
- Không cần rửa phim, tiết kiệm thời gian và chi phí vận hành.
- Dễ lưu trữ và chia sẻ, tương thích với hệ thống PACS.
- Giảm liều tia cho bệnh nhân so với máy X-quang quy ước.
Phân loại nhỏ:
- DR cố định: Dùng trong các phòng chụp chuyên biệt.
- DR di động: Phù hợp với khoa hồi sức, ICU, cấp cứu.
Ứng dụng:
- Hầu hết các bệnh viện tuyến tỉnh trở lên đều sử dụng loại này để chụp X-quang tim phổi, cột sống, ổ bụng, khung chậu, chi dưới – chi trên.
3.3 Máy X-quang di động (Mobile X-ray)
Máy X-quang di động là thiết bị chụp X-quang có khả năng di chuyển linh hoạt đến nhiều vị trí khác nhau, thay vì cố định tại một chỗ như các máy X-quang thông thường. Chúng được sử dụng để chụp X-quang cho bệnh nhân tại giường bệnh, trong phòng cấp cứu, phòng mổ hoặc các khu vực không có phòng chụp X-quang cố định.
Đặc điểm:
- Thiết kế nhỏ gọn, có bánh xe để dễ dàng di chuyển.
- Có thể sử dụng phim hoặc cảm biến kỹ thuật số tùy model.

Ưu điểm:
- Linh hoạt, phù hợp với bệnh nhân nằm tại giường, không thể di chuyển.
- Tiện lợi trong khoa cấp cứu, hồi sức, chăm sóc tích cực.
Nhược điểm:
- Công suất thấp hơn máy X-quang cố định.
- Hạn chế khi chụp vùng cần độ phân giải cao.
Ứng dụng:
- Chụp X-quang phổi cho bệnh nhân COVID-19 nằm hồi sức.
- Chụp kiểm tra sau mổ tại phòng mổ.
- Khảo sát nhanh trong cấp cứu đa chấn thương.
3.4 Máy X-quang C-Arm (Cánh tay C)
Máy X-quang C-Arm là thiết bị chụp X-quang di động được sử dụng trong phẫu thuật để cung cấp hình ảnh thời gian thực về cấu trúc bên trong cơ thể người bệnh. Máy có hình dạng giống chữ C, có thể xoay quanh bệnh nhân để chụp từ nhiều góc độ khác nhau. Từ đó, giúp bác sĩ định vị chính xác các vị trí cần can thiệp trong quá trình phẫu thuật.
Đặc điểm:
- Thiết kế dạng khung hình chữ C, xoay chuyển linh hoạt.
- Có hệ thống phát và thu hình ảnh tích hợp, thường dùng kết hợp với màn tăng sáng huỳnh quang (fluoroscopy).

Ưu điểm:
- Cho hình ảnh thời gian thực, cực kỳ hữu ích trong phẫu thuật và can thiệp.
- Linh hoạt định vị – xoay chiều theo tư thế bệnh nhân.
Ứng dụng:
- Phẫu thuật chỉnh hình, đặt đinh – vít.
- Đặt catheter tĩnh mạch trung tâm.
- Hướng dẫn đặt ống nội khí quản, dẫn lưu khoang màng phổi, đặt stent mạch vành.
3.5 Máy X-quang vú (chụp nhũ ảnh)
Máy X-quang vú là thiết bị sử dụng tia X liều thấp để tạo ra hình ảnh chi tiết của mô vú, giúp phát hiện sớm các bất thường, bao gồm cả ung thư vú, ngay cả khi chưa có triệu chứng. Kỹ thuật này rất quan trọng trong việc tầm soát và chẩn đoán bệnh lý ở vú.
Đặc điểm:
- Thiết kế chuyên biệt để chụp mô vú ở nữ giới.
- Sử dụng liều tia thấp, độ phân giải ảnh cực cao.

Ưu điểm:
- Phát hiện sớm ung thư vú ở giai đoạn không triệu chứng.
- Hình ảnh mô vú chi tiết, cho phép đánh giá vi vôi hóa nhỏ.
Ứng dụng:
- Sàng lọc ung thư vú định kỳ cho phụ nữ từ 40 tuổi.
- Theo dõi khối u nghi ngờ, đánh giá mô vú trước sinh thiết.
3.6 Máy X-quang răng (Dental X-ray)
Chụp X quang răng sẽ ghi lại các hình ảnh trong khoảng trống bao gồm: răng, xương hàm, mô mềm. Khi đó, phát hiện được các bệnh về sức khỏe răng miệng.
Đặc điểm:
Có hai dạng chính:
- Máy X-quang toàn cảnh (Panoramic)
- Máy chụp chóp răng – cận chóp (Intraoral)

Ưu điểm:
- Cho hình ảnh chính xác vùng răng, hàm, khớp thái dương hàm.
- Kết hợp với phần mềm dựng hình 3D (Cone Beam CT) cho hình ảnh không gian.
Ứng dụng:
- Cấy ghép Implant, chỉnh nha, nhổ răng khôn, điều trị tủy.
- Theo dõi răng mọc lệch, đánh giá tổn thương xương hàm.
4. Ứng dụng của máy X-quang trong lâm sàng
Máy X-quang là một trong những phương tiện chẩn đoán hình ảnh có mặt ở hầu hết các chuyên khoa. Nhờ khả năng khảo sát cấu trúc bên trong cơ thể nhanh chóng, không xâm lấn và chi phí hợp lý. Máy X-quang đã trở thành công cụ cận lâm sàng đầu tay trong rất nhiều bệnh lý từ đơn giản đến phức tạp.
Dưới đây là các ứng dụng chính của máy X-quang trong lâm sàng, phân theo từng nhóm chuyên khoa:
4.1 Chẩn đoán bệnh lý cơ – xương – khớp
Một số trường hợp va đập, chụp X-quang ngay tại phòng cấp cứu giúp bác sĩ xác định vị trí gãy xương và chỉ định phẫu thuật hoặc bó bột nhanh chóng. Máy X-quang đóng vai trò then chốt trong việc đánh giá:
- Gãy xương (cẳng tay, đùi, chậu, cột sống, bàn tay…)
- Thoái hóa khớp (đầu gối, háng, vai, cột sống cổ – lưng)
- Viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp
- Loãng xương (đánh giá đốt sống bị xẹp, hình ảnh xương thưa)
- Vẹo cột sống, trượt đốt sống

4.2 Đánh giá hệ hô hấp
X-quang ngực (chest X-ray) là xét nghiệm hình ảnh đầu tay trong mọi trường hợp có ho, khó thở, sốt cao, đau ngực…
Phát hiện được:
- Viêm phổi, lao phổi
- Tràn khí màng phổi, tràn dịch màng phổi
- U phổi, ung thư phổi giai đoạn sớm
- Phù phổi cấp
- Tình trạng tim phổi trong bệnh tim mạch
4.3 Hỗ trợ can thiệp và phẫu thuật
Với các máy X-quang hiện đại như C-arm hoặc có tích hợp màn tăng sáng. Các bác sĩ có thể quan sát hình ảnh trực tiếp khi thực hiện thủ thuật:
Ứng dụng:
- Định vị đinh – vít trong mổ xương gãy
- Đặt catheter tĩnh mạch trung tâm, dẫn lưu dịch
- Can thiệp mạch vành: đặt stent, nong mạch
- Đặt ống thông đường tiểu, nội khí quản, ống dẫn lưu

4.4 Khảo sát hệ tiêu hóa – tiết niệu
Bệnh nhân bị đau bụng được chụp bụng không chuẩn bị có thể phát hiện các dấu hiệu bệnh. Hơn nữa, kết hợp với thuốc cản quang, X-quang cho phép chẩn đoán chính xác các bất thường của:
Đường tiêu hóa:
- Tắc ruột, xoắn ruột
- Loét dạ dày – tá tràng có thủng
- Thoát vị hoành
- Hẹp thực quản, túi thừa
Đường tiết niệu:
- Sỏi thận, sỏi niệu quản
- Tắc nghẽn đường tiểu
- Khảo sát hình thể thận, bàng quang qua IVP (niệu đồ tĩnh mạch)
4.5 Tầm soát ung thư
X-quang vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc sàng lọc phát hiện sớm các loại ung thư:
- Ung thư phổi: Chụp X-quang ngực định kỳ giúp phát hiện tổn thương dạng nốt, khối u ở giai đoạn sớm.
- Ung thư vú: Máy X-quang vú (mammography) phát hiện vi vôi hóa – tổn thương tiền ung thư chưa sờ thấy.
- Ung thư xương: X-quang thấy hình ảnh phá hủy xương, xương mờ, xương đặc không đều.

4.6 Ứng dụng trong nha khoa
Bác sĩ chỉnh nha cần X-quang toàn hàm để lên kế hoạch niềng răng chính xác và hiệu quả lâu dài. X-quang răng là thiết bị không thể thiếu trong:
- Đánh giá sâu răng, tổn thương tủy
- Chụp toàn cảnh hàm (Panorex)
- Xác định vị trí răng khôn, răng mọc ngầm
- Hỗ trợ cấy ghép Implant
5. Quy trình chụp X-quang
Chụp X-quang là thủ thuật không xâm lấn, nhanh chóng, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ phơi nhiễm bức xạ ion hóa nếu không tuân thủ đúng quy trình và nguyên tắc bảo hộ. Do đó, đảm bảo quy trình chụp X-quang an toàn là điều kiện bắt buộc tại mọi cơ sở y tế sử dụng thiết bị này.
Dưới đây là các bước quy trình chụp X-quang an toàn, áp dụng chuẩn tại bệnh viện, phòng khám và trung tâm chẩn đoán hình ảnh.
Bước 1: Đón tiếp và hướng dẫn bệnh nhân
- Nhân viên kỹ thuật hoặc điều dưỡng tiếp nhận thông tin từ bệnh nhân: tên, tuổi, triệu chứng, chỉ định từ bác sĩ.
- Giải thích mục đích chụp, vùng chụp và quy trình để bệnh nhân hiểu và phối hợp tốt.
- Kiểm tra phụ nữ trong độ tuổi sinh sản về khả năng có thai (nếu có nghi ngờ, cần báo bác sĩ trước khi thực hiện).
- Đối với bệnh nhân khó di chuyển: sử dụng máy X-quang di động tại giường nếu cần.
Tuyệt đối không chụp X-quang cho phụ nữ đang mang thai 3 tháng đầu. Trừ khi có chỉ định bắt buộc và có biện pháp bảo vệ vùng bụng bằng áo chì.

Bước 2: Chuẩn bị bệnh nhân trước khi chụp
- Hướng dẫn bệnh nhân thay áo quần, tháo các vật dụng kim loại (dây chuyền, khuy kim loại, thắt lưng, áo ngực có gọng...) vì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng ảnh.
- Đảm bảo bệnh nhân nhịn ăn hoặc có chuẩn bị đặc biệt nếu chụp X-quang có thuốc cản quang (đường tiêu hóa, hệ niệu).
- Che chắn vùng nhạy cảm không liên quan đến chụp bằng tấm chì (tuyến giáp, cơ quan sinh dục...).
Luôn sử dụng tấm chắn chì hoặc áo chì để hạn chế vùng phơi nhiễm, đặc biệt với trẻ em, người trẻ tuổi, và bệnh nhân chụp nhiều lần.
Bước 3: Định vị và tư thế chụp
- Kỹ thuật viên định vị chính xác vùng cần chụp theo chỉ định.
- Sử dụng bàn chụp hoặc giá treo phù hợp để giữ tư thế ổn định (nằm, đứng, nghiêng...).
- Cài đặt thông số kỹ thuật (kV, mAs, thời gian phơi tia...) tùy theo loại máy và vùng cơ thể.
- Yêu cầu bệnh nhân giữ yên, nín thở (nếu cần) trong vài giây khi chụp để ảnh không bị rung mờ.
- Kỹ thuật viên phải ra khỏi phòng chụp hoặc đứng sau buồng chì khi phát tia. Phòng chụp cần có hệ thống báo hiệu tia X đang hoạt động (đèn đỏ, còi hoặc màn hình hiển thị).
Bước 4: Tiến hành chụp X-quang
- Kỹ thuật viên khởi động máy và thực hiện phát tia đúng thời điểm.
- Có thể chụp một hoặc nhiều tư thế (thẳng, nghiêng, chếch, chéo...) tùy từng bệnh lý.
- Với máy X-quang kỹ thuật số, hình ảnh sẽ hiển thị ngay lập tức trên màn hình máy tính.
- Kiểm tra sơ bộ chất lượng ảnh trước khi kết thúc (độ rõ nét, khung hình, độ tương phản…).

Bước 5: Xử lý hậu kỳ và kết thúc chụp
- Đối với máy X-quang kỹ thuật số, kỹ thuật viên có thể hiệu chỉnh độ sáng, độ tương phản để ảnh dễ đọc hơn.
- Với máy X-quang phim, phim được rửa thủ công (bằng hóa chất) hoặc bán tự động tùy hệ thống.
- Hướng dẫn bệnh nhân mặc lại đồ, nghỉ ngơi, hoặc đến khu vực chờ nhận kết quả.
Bước 6: Trả kết quả và lưu trữ hồ sơ
- Hình ảnh được lưu vào hệ thống PACS (với X-quang số) hoặc in phim (với X-quang phim).
- Bác sĩ chẩn đoán hình ảnh phân tích và kết luận, in kết quả và gửi lại cho bệnh nhân hoặc bác sĩ điều trị.
- Lưu trữ hồ sơ bệnh án điện tử, giúp so sánh kết quả lần sau nếu bệnh nhân tái khám.

6. Kết luận
Máy X-quang là công cụ chẩn đoán hình ảnh không thể thiếu trong mọi cơ sở y tế hiện đại. Với sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số, các dòng máy X-quang ngày càng cho hình ảnh sắc nét, ít bức xạ và hỗ trợ tối đa cho bác sĩ trong chẩn đoán – điều trị. Đầu tư đúng loại máy, đúng công suất và đúng mục đích sử dụng sẽ giúp cơ sở y tế nâng cao hiệu quả điều trị và tối ưu chi phí vận hành.
Meditop cung cấp thiết bị y tế chất lượng cao, với hệ thống phân phối rộng khắp từ Bắc vào Nam. Chúng tôi coi trọng giá trị nhân văn, tin vào giá trị tốt đẹp được tạo nên từ hiệu quả đóng góp cho xã hội.
Công ty Cổ phần Thương mại Quốc Tế Meditop
Hotline: 0942.402.306
Website: https://meditop.com.vn/
VPHN: 16BT2 đường Trần Thủ Độ, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội.
VPĐN: Số 258, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Khuê Trung, Cẩm Lệ, Đà Nẵng.
VPHCM: 28 đường N5, Jamona Golden Silk, Bùi Văn Ba, Tân Thuận Đông, Q7, TP HCM.
Xem thêm