Viêm thanh khí phế quản cấp là tình trạng sưng tấy thanh quản và khí quản. Bệnh có nguyên nhân do dị ứng, do vi khuẩn, hoặc nuốt phải chất kích ứng, nhưng thông thường là do virus. Trong hầu hết các trường hợp, thủ phạm là virus á cúm (parainfluenza virus), nhưng các loại virus khác cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh, ví dụ như virus hợp bào hô hấp (RSV), adenovirus, virus gây bệnh cúm, hoặc sởi.
Triệu chứng của bệnh viêm thanh khí phế quản cấp
Vì bệnh làm sưng cổ họng và thanh quản, nó sẽ làm biến đổi âm thanh của bé khi ho. Nếu bé bị ho khan và khàn, có tiếng ho ông ổng, đó có thể là bệnh viêm thanh khí phế quản cấp. Trong thực tế, tiếng ho này rất đặc biệt đến nỗi các bác sỹ có thể chẩn đoán bệnh này cho bé chỉ dựa vào việc lắng nghe bé ho.
Bệnh thường xuất hiện vài ngày sau các triệu chứng của cảm cúm và thường trở nặng vào ban đêm. Khi bệnh xảy ra, bé có thể khó thở, thở khò khè, hoặc có tiếng rít khi hít vào. Bé cũng có thể bị sốt nhẹ.
Bệnh thường trở nặng trong 2 – 3 đêm đầu tiên và thường khỏi dần trong khoảng 1 tuần.
Bệnh viêm thanh khí phế quản cấp có nguy hiểm không
Ngày nay bệnh này không còn gây nguy hiểm như trước, nhờ vào các loại vaccine phòng sởi, Hib, và bạch hầu có thể bảo vệ bé chống lại các bệnh nguy hiểm như viêm thanh khí phế quản. Bệnh này của bé sẽ biến mất trong khoảng 1 tuần mà không để lại hậu quả gì, tuy nhiên, nếu bé bị nặng, nó có thể dẫn đến khó thở nghiêm trọng.
Khi nào cần đi khám bác sỹ
Bạn phải cho bé đi khám bác sỹ ngay nếu nghi ngờ bé bị viêm thanh khí phế quản cấp. Bác sỹ sẽ phát hiện và chẩn đoán bệnh thông qua tiếng ho và cách thở của bé.
Nếu bé bị khó thở hoặc thở khò khè khi nằm nghỉ thì phải cho bé nhập viện ngay. Đôi khi những triệu chứng này chỉ là một phần của một đợt ho, nhưng khi các triệu chứng này xuất hiện ngay cả khi bé nằm nghỉ thì điều đó có nghĩa là bé đang bị bệnh nặng, bé bị sưng cổ họng có nguy cơ đe dọa đến tính mạng.
Tất nhiên nếu bạn thấy bé có dấu hiệu khó thở, chảy nước dãi, môi và da trở nên tím tái, hãy gọi ngay xe cấp cứu.
Cách điều trị viêm thanh khí phế quản cấp
Nếu đây là lần đầu tiên bé bị bệnh này và bác sỹ xác định đây là một ca nhẹ, bạn có thể điều trị cho bé tại nhà.
Hơi ẩm hoặc mát có thể giúp làm giảm sưng đường hô hấp, vì vậy cách điều trị cơ bản là cho bé vào phòng tắm nhiều hơi ẩm trong 15 – 20 phút (cho bé vào phòng tắm, xả nước nóng vào bồn rồi đóng cửa lại để hơi nước bốc lên), hoặc cho bé ra ngoài vườn vào đêm mát. Giữ bé thẳng người sẽ giúp bé dễ thở hơn.
Phương pháp dùng hơi nước phòng tắm có thể có tác dụng làm dịu, nhưng nó không làm cơn ho hoàn toàn khỏi. Bạn sẽ phải lặp lại cách này mỗi khi bé tỉnh giấc để ho suốt cả đêm.
Bạn có thể dùng máy tạo độ ẩm trong phòng bé để duy trì môi trường nhiều độ ẩm, nhưng phải nhớ làm sạch máy hàng ngày với dung dịch tẩy rửa để ngăn ngừa sự phát triển của nấm mốc, vi khuẩn. Bạn cũng phải nhớ cho bé uống nhiều nước.
Nếu bé bị sốt, bạn có thể hỏi ý kiến bác sỹ cho bé uống acetaminophen or ibuprofen, không bao giờ được cho bé uống aspirin vì nó có thể gây ra hội chứng Reye, một hội chứng hiếm gặp nhưng nguy hiểm đến tính mạng của trẻ đang bị nhiễm virus.
Vì nguyên nhân gây bệnh có thể do virus nên dùng kháng sinh không có tác dụng, cũng không được cho bé uống các loại thuốc ho, thuốc sẽ không có tác dụng đối với tình trạng sưng tấy của cổ họng và có thể khiến bé khó khạc ra đờm hơn.
Nếu hơi ẩm không khí không có tác dụng với bé, bác sỹ có thể kê thuốc uống kháng viêm steroid để làm giảm sưng và giúp bé thở dễ dàng hơn. Thuốc uống steroid trước đây được dùng cho hầu hết trẻ bị bệnh viêm thanh khí phế quản loại trung bình và nặng, nhưng các nghiên cứu gần đây cho thấy thuốc cũng có ích ngay cả trong trường hợp bệnh nhẹ hơn.
Nếu con bạn bị bệnh nặng cần phải nhập viện, bé có thể được cho thở oxy, dùng thuốc hít, hoặc steroid để giúp giảm sưng đường hô hấp. Bé cũng có thể được truyền dịch để phòng trường hợp mấy nước.
Bé có thể bị bệnh trở lại nữa không
Có. Trong thực tế, một số bé dường như dễ bị mắc bệnh viêm khí phế quản hơn những bé khác cho đến khi đường hô hấp của bé phát triển to và khỏe hơn. Nếu bé bị bệnh lần thứ 2, bạn hãy thử điều trị bằng các liệu pháp tại nhà, và gọi ngay cho bác sỹ, mỗi lần bị bệnh có thể khác nhau, bé có thể bị nặng hơn hoặc cần điều trị tích cực hơn.
Bệnh này có tính truyền nhiễm không
Có. Trừ trường hợp bé bị bệnh là do bị dị ứng hoặc do chất kích ứng, còn các virus gây bệnh có tính truyền nhiễm, nên bạn phải cho bé ở nhà đến khi các triệu chứng khỏi hẳn.